Thứ Hai, 29 tháng 1, 2018

CÕI SEN




CÕI SEN

Đất trời úp mở búp sen
Qua cơn lặn ngụp trồi lên cõi đời

Ẩn trong bùn đất dập vùi
Nón xanh ngửa mặt ngắm trời hứng mưa
Búp sen cắm nến mặt hồ
Đài dâng kết bệ trên thờ Quan Âm

Hương sen quện khói hương trầm
Xác phô đất tục hồn thầm cõi tiên
Thắp lòng tôn Phật linh thiêng
Thân dọc thủy phủ lá nghiêng kiếp trần

Dẫu mai phấn nhụy lìa thân
Còn tơ vương ngó một lần níu nhau
Thành trì vương niệm vùi sâu
Chùa làng vẫn sắt son màu cánh sen

Vượt qua nước đục bùn đen
Bụi trần rũ sạch mà nên niết bàn
Chuông đồng mõ gỗ còn ngân
Còn pho Bồ Tát còn cần đài hoa

Thế nhân tu tỉnh nửa mùa
Tuần rằm nào cũng lễ chùa lạy hoa
Thiền sư đắc đạo phải già
Sen tàn gặp sấm lại là sen tơ

Hương sen ướp ngát đất chùa
Tăm con cá bống dưới hồ cũng thơm

Văn Thùy
Trích trong Ru Dọc Hai Màu Lá

Chủ Nhật, 28 tháng 1, 2018

TÌNH NHƯ DI ĐỘNG HAI SIM




TÌNH NHƯ DI ĐỘNG HAI SIM

Tình như di động hai sim
Mỗi sim một sóng lời chim tiếng cò
Lỗ loa ngày nhỏ đêm to
Hai tài khoản vẫn đắn đo mất còn
Người góc bể kẻ đầu non
Chuyện long núi Tản Tám mòn Thiên Thai
Người hẹn tối kẻ hẹn mai
Có một thân máy trọn hai mối tình
Bên hoàng hôn bên bình minh
Một mồm nói dối hai mình bốn tai

Văn Thùy
Trích trong Ru Dọc Hai Màu Lá

CÁCH MẠNG THƠ



CÁCH MẠNG THƠ

Dứt phăng sợi chữ tân thời
Nối thành Lục Bát se lời ru xưa
Dài đem buộc nắng ngang mưa
Ngắn làm dải yếm đo vừa khuôn em

Văn Thùy
Trích trong Ru Dọc Hai Màu Lá

NGUYÊN THÂN


NGUYÊN THÂN

Khạc vào bóng tối tô hồng
Xé toang quần áo chất chồng dối gian
Hú man dại gọi bầy đàn
Trụi trần đi giữa ngút ngàn nguyên sơ

Văn Thùy
Trích trong Ru Dọc Hai Màu Lá

NHỊP XƯA



NHỊP XƯA

Cha ta nón lá áo tơi
Nhịp chân thập thững bước người bước trâu
Mẹ ta váy đụp bùn nâu
Nửa đời kẽo kẹt hát câu ru hời

Người đi câu hát về giời
Nhịp tay con cạp lại lời ru xưa
Vụng về đem nắng buộc mưa
Đã vơi nống mốt lại thừa nống đôi

Thoáng đâu nhịp gió ngang đồi
Thoáng đâu tiếng mẹ đang ngồi nựng con
Xin đu nhịp võng đang mòn
Chẻ tư Lục Bát vót tròn điệu ru

À ơi! vèo mấy vàng thu
Nhịp xưa gõ lỏng trong mù mịt bay

Văn Thùy
Trích trong Ru Dọc Hai Màu Lá

Thứ Tư, 24 tháng 1, 2018

TỰ THÂN


TỰ THÂN

Bút danh hỏa táng bên đường
Giọng không cháy vẫn tỏa hương chữ người
Văn chương nào cũng một thời
Bút vung quá trán viết lời phù vân
Tử sinh Thơ chỉ một lần
Tự hương hữu xạ đâu cần sắc phong

Văn Thùy
Ru Dọc Hai Màu Lá

TUỔI VỢ



TUỔI VỢ

Rõ ràng biết em tuổi già
Tôi cứ nhắm mắt bỏ nhà theo em
Giống gà gáy sáng gáy đêm
Thảo thơm dành những mỗi mềm gọi con

Đến nay mấy chục năm tròn
Em thành gà trống lại còn đá ngang
Buồn tênh tôi bỏ về làng
Có người bói trúng bà nàng tuổi cua

Các cụ đã phán từ xưa
Xem tông kén vợ bây giờ đúng thay
Quáng gà mới đến nỗi này
Cũng may chưa mắc vào tay vợ hùm

Văn Thùy
Trích trong Ru Dọc Hai Màu Lá

Thứ Ba, 23 tháng 1, 2018

Mười Bài Thơ Hai Câu 4



1- Rụng
Lá cau sẽ rụng mùa sau
Chúng mình cứ rụng vào nhau cuối tuần

2- Hình như mẫu áo Thi Nhân
Vô tình ai đó mấy lần sỏ chơi

3- Ì Ạch

Hôm qua chẳng khác ngày mai
Mưa nghèo đồm độp chảy dài áo manh

4- Thời Gian

Ngày giờ năm tháng đuổi nhau
Lịch tơi tả rụng bẹp đầu thời gian

5- Nắng dọc mưa ngang trò thượng giới
Khen xuôi nịnh ngược thói trần gian

6- Em ăn mày Phật cửa chùa
Tôi thành hành khất bốn mùa yêu chay

7- Người đi hụt đích sẽ về
Người về khuyết mảnh trăng thề lại đi

8- Bích đào đâu của riêng ai
Sao em cứ giấu đào phai lòng mình

9- Yêu cho trụi đám cỏ may
Nhẵn đường em cứ lối này mà qua

10-  Em cứ choàng thêm dày người tết
Kệ tôi cởi chữ tắm mưa phùn

Văn Thùy 
Trích trong Ru Dọc Hai Màu Lá

Giá Trị



Giá Trị

Này đây Lục Bát phấn son
Tẩy trang đi chắc chỉ còn Diễn Ca
Này đây chữ nghĩa lụa là
Hình như ai đó năm xa mặc rồi
Này lời thắm má đỏ môi
Rõ là Thằng Cuội ồi ồi gọi cha
Này sông Sen này Von Ga
(Có bằng tắm mát ao nhà ta không?)
Đêm đen cứ phỉnh ngày hồng
Chắp tay vái cả vợ chồng Họa Mi
Văn Thùy
Trích trong Ru Dọc Hai Màu Lá

Chuyện Nhà



Chuyện Nhà

Mẹ đi chợ bán trầu không
Lỡ đò lận đận bến sông là thường
Đi từ buổi mịt mù sương
Mặt trời ngụp dưới lòng mương mới về

Chân trần mài vẹt đường đê
Oằn lưng như đặt con đê giữa nhà
Lá trầu dứt cuống đi xa
Giống cay hương quế thơm qua đất người

Trời đầy sương muối trầu vơi
Mẹ thưa đi chợ làm tôi khát quà
Bây giờ quanh quẩn ở nhà
Cối chày chỉ ngoáy cau già luôn tay

Túp lều ngồi bán xưa nay
Có cô má thắm trưng bày phấn son
Giữ dây trầu quế góc vườn
Mẹ nhai bỏm bẻm chuyện buồn trầu cau

Quanh mẹ những mấy nàng dâu
Chả cô nào biết ăn trầu đỏ môi
Tháng năm mẹ cõng trên người
Nhọc nhằn quệt tóc mẹ tôi trắng đầu

Người mua tứ xứ nay đâu
Răng đen nhuộm tích trầu cau vắng rồi
Mép trầu đỏ quạch hiếm hoi
Chỉ gái hiện đại toe cười toét son

Văn Thùy

Mười Bài Thơ Hai Câu 3

Mười Bài Thơ Hai Câu 3

1- Người chen vai bước trong đời
Vết thơ lồi lõm khóc cười đè nhau

2- Còn em đó còn tôi đây
Cớ sao chẳng thể ban ngày thấy trăng


3- Thơ lùn ngắn củn cùn cun
Ngắn như ngắn ngủn ngắn ngun cuộc người


4- Không thơ thiên hạ chê đần
Có thơ lại bảo khôn gần như ngu


5- Thụ thai Lục Bát chửa trâu
Bạc đầu đẻ vãi mấy câu thơ bùn


6- Tưởng rằng vũ điệu sao rơi
Hóa ra đàn chữ rong chơi lập lòe


7- Bỏ trời bỏ tiếng sáo diều
Xuống làm lặng lẽ cánh bèo phiêu du

8- Học Khôn

Người khôn trố mắt ngỡ ngàng
Hàng đàn người dại xếp hàng học khôn
9- LẠ LÙNG CŨ
Rượu đắng dăm bầu sao cứ tỉnh
Tình suông một mảnh thế mà say
 10- Thơ người bác học cung đình
Chữ mình tấm cám thì mình ca dao

Tác giả Văn Thùy

Mười Bài Thơ Hai Câu 2



1- Động Cơ

Rắp tâm phục chế thơ tình
Cho em thấy tỉnh tình tinh vẫn giòn

2- Ngộ 1
Người mơ thế sự tơ hồng
Mộng ta sắc sắc không không cõi thiền

3- Ngộ 2

Chìm trong ảo mộng giàu sang
Tỉnh ra còn mỗi úa vàng áo manh.

4- Hình như người ấy yêu rồi
Thảo nào hay cử nụ cười trực ban

5- Đãng Trí

Xem ra em vẫn cuối xuân
Tôi quên béng mất tóc gần cuối thu

6- Thắc Mắc

Mừng em được mấy đời tình
Buồn tôi rào mãi vườn tình vẫn hoang

7- Cả đời đãi cát tìm vàng
Lọc ra toàn những bẽ bàng cổ sinh

8- Hy Vọng

Đắp đê ngăn nước mắt tôi
Cho em mắc cạn một thời phấn son

9- Làm thơ cầu lợi mưu danh
Tuổi tên sớm muộn cũng thành khói mây

10- Tình như một thuở lặng thầm
Bấy lâu ngậm ngải tìm trầm rừng em

Tác giả Văn Thùy
Trích trong Ru Dọc Hai Màu Lá


Thứ Hai, 22 tháng 1, 2018

MƯỜI BÀI THƠ HAI CÂU 1




 1- Của Để Dành

Xổ ra một đống thơ tình
Nhân danh bó củi sưởi mình qua đông

2- Thi Phẩm 1

Xổ ra một đống thơ tình
Nửa thành giấy góa nửa rình tặng nhau

3- Thi Phẩm 2

Đống thơ chả dám đổ đâu
Gửi mồng ông táo mai sau nhóm lò


4- Miếng ngon nhất thế gian này
Là câu Lục Bát mớm đầy tai con


5- Xem ra em vẫn rất xuân
Tôi quên béng mất tóc gần cuối thu

6- So Sánh

Nắng mưa hai góc địa cầu
Tình yêu có khác gì đâu tiết trời

7- Dẫu là son phấn văn chương
Chỉ mong một tí tẹo hương vị mình

8- Biến Hóa

Ru nhau trọn kiếp tóc xanh
Em lên mầm nắng tôi thành cọng sương

9- Phải tay này gặp Thị Màu
Chẳng sưng đầu mõ cũng nhàu vú chuông

10- Ẩn Họa

Vướng vào đôi mắt lá răm
Đi bộ cũng tội quanh năm đắm đò

Văn Thùy
Trích trong Ru Dọc Hai Màu Lá

Lạ Lùng Mới



Lạ Lùng Mới

Áo không đẹp nón không xinh
Lạ lùng cái tỉnh tình tinh vẫn giòn
Chẳng may gặp gái một con
Mũi giày mắt cá chân mòn cả đôi
Đà này năm lứa bú rồi
Có khi vẫn đẹp hơn người nửa con

Văn Thùy

Chủ Nhật, 21 tháng 1, 2018

ĐỌC “ XIN MỘT ĐIỀU NHỎ NHẤT” CỦA NHÀ THƠ VĂN THÙY



ĐỌC “ XIN MỘT ĐIỀU NHỎ NHẤT” CỦA NHÀ THƠ VĂN THÙY

“Niềm vui của nhà thơ chân chính là niềm vui của người mở đường đến với cái đẹp” ( Pautopxki)
“Thơ là sự thẻ hiện con người và thời đại một cách cao đẹp” (Sóng Hồng)
Vâng với vai trò và sứ mệnh to lớn ấy, người nghệ sỹ nói chung và thi sỹ nói riêng đã không ngừng cố gắng để mỗi ngày mang đến cho đời, mang đến cho đọc giả những bài thơ hay, sâu sắc hoặc giả là những tác phẩm bất hủ.

Chẳng ai biết được rằng thơ Lục Bát ra đời từ khi nào và do ai sáng tạo, nhưng điều đó không quan trọng, thơ Lục Bát vẫn cứ mãi mãi là hồn cốt của dân tộc, là tinh hoa trong ngôn ngữ, luôn là đứa con tinh thần và là đứa con cưng của triệu triệu người dân Việt.

Thơ Lục Bát mộc mạc, giản dị, gần gủi, ngỡ như dễ làm và ai cũng có thể làm được, thế nhưng từ xưa đến nay không có nhiều nhà thơ thành danh với thể loại thơ này.

Đã từ lâu rồi, hình như từ ngày biết yêu thơ đến nay cứ luôn mãi loay hoay với Lục Bát của Đại Thi Hào Nguyễn Du, của Tản Đà. Rồi sau này là lục bát của Nguyễn Bính, Bùi Giáng của Đồng Đức Bốn…. chỉ có vài tác giả tiêu biểu ấy thành danh cùng lục bát, có những tác phẩm Lục Bát để đời.

Để rồi chiều nay, thật tình cờ, thật may mắn và thật hạnh phúc khi đọc được một bài Lục Bát hay trên facebook của Dị Nhân Văn Thùy

Xin một điều nhỏ nhất

“Cho tôi sờ áo một lần
Đêm nay bất chấp tử thần gọi tên
Một lần thôi chẳng vòi thêm
Chạm tay vạt áo khát thèm đã tan

Đã âm thầm nỗi yêu khan
Một phen mó áo vô vàn ngẩn ngơ
Hãy tin những tín đồ thơ
Yêu chay nên chỉ dám sờ áo thôi

Ngón tay ngộng mấy đốt rồi
Kể là chín ngón hỏng mười cũng xong
Áo gì cứ mỏng mòng mong
Kiểu này rồi đến phải lòng mất thôi

Rủi mai hóa cát bụi rồi
Hú hồn đốt mã cho tôi áo này
Vía van lang bạt cõi mây
Thương tôi đừng mặc áo dày được không”

Chỉ 16 dòng thơ cùng với chủ đề muôn thuở là khát khao cháy bỏng trong tinh yêu thế nhưng dưới ngòi bút tài hoa của Văn Thùy người đọc không còn bắt gặp cái thờ ơ nhàm chán, cái vòng vo ướt át, cái đánh đố vu vơ như nhiều, rất nhiều trong những bài lục bát đã và đang tràn lan trên sách báo hay các trang mạng hiện nay.

“Cho tôi sờ áo một lần
Đêm nay bất chấp tử thần gọi tên”

Văn Thùy không hoa mỹ, không vòng vo kiểu như “ Gặp đây mận mới hỏi đào/ vườn hồng đã có ai vào hay chưa” ( ca dao) mà đi thẳng vào vấn đề; ‘ cho tôi”, và là cho được : “ sờ áo một lần”. Cái điều mà tưởng chừng như quá nhỏ ấy lại được tác giả nâng lên một cách vô cùng quan trọng, bởi nếu xem nó là nhỏ bé thì đâu cứ phải xin, mà đâu phải là xin đơn giản, xin suông mà ở đây xin với một thái độ chân thật, thành khẩn, tưởng chừng như dẫu có chết đi thì vẫn cứ phải xin “ Đêm nay bất chấp tử thần gọi tên”.

Nhà thơ không sử dụng cho anh, mà dùng “ tôi” tạo hiệu ứng cho câu thơ thêm phần gần gủi, chất phát. Mộ thủ pháp nhỏ, đơn giản nhưng đặt đúng vị trí đã tạo nên tác dụng rỏ rệt.

Xin “sờ áo”, chưa biết người ta có đồng ý hay không, đọc giả cũng không hề nhìn thấy, nghe thấy câu nói nào tỏ rỏ là người xin đã xin được, thế nhưng Văn Thùy thật cao tay khi lại tiếp tục:

“Một lần thôi chẳng vòi thêm
Chạm tay vạt áo khát thèm đã tan”

Đây vẫn tiếp tục là sự xin xỏ, thế nhưng nếu đọc thật chậm, ta lại thấy đó giống như câu trả lời bởi cái “ một lần”, cái “ chạm tay”, và đặc biệt cái động từ “ đã tan” ấy đã nói lên tất cả. Gỉa sử người ấy không cho, mà đã không cho thì làm gì có được một lần, đã không cho thì làm gì được chạm tay, và nếu không cho thì cái gã quyết sống chết để xin ấy sao có thể “ đã tan” kia chứ??

Khó khăn lắm mới xin được, vậy mà mới chạm vào thì “ đã tan”? tại sao lại có điều đó?, tác giả là gã cả thèm chóng chán ư?, hoàn toàn không phải. Đến đây nhà thơ mới bắt đầu giải thích cho điều đó:

“Đã âm thầm nỗi yêu khan
Một phen mó áo vô vàn ngẩn ngơ
Hãy tin những tín đồ thơ
Yêu chay nên chỉ dám sờ áo thôi

Ngón tay ngọng mấy đốt rồi
Kể là chín ngón hỏng mười cũng xong
Áo gì cứ mỏng mòng mong
Kiểu này rồi đến phải lòng mất thôi”

Thi sỹ đã trần tình, đã phơi bày trái tim, tình cảm của mình lên từng con chữ. Một tình yêu âm thầm nhưng không kém phần mãnh liệt, bỏng cháy, một tình yêu của một “ tín đồ thơ” cũng dung tục nhưng lại trong sáng, thuần túy , mộc mạc, chất phát và hết sức đời thường: “Hãy tin những tín đồ thơ /Yêu chay nên chỉ dám sờ áo thôi”

Chưa có thì sống chết để xin, xin được rồi thì lại “ vô vàn ngẩn ngơ”, rồi thì lại “Ngón tay ngọng mấy đốt rồi /Kể là chín ngón hỏng mười cũng xong”_ cái khờ khạo trong tình yêu đẹp quá, thánh thiện quá!.

Từ đầu tới giờ thi nhân chưa từng miêu tả đến người ấy, cũng chưa từng miêu tả đến cái áo ấy, để rồi đến lúc này mới nhắc đến:

“Áo gì cứ mỏng mòng mong
Kiểu này rồi đến phải lòng mất thôi”

Sử dụng lối không miêu tả để miêu tả, dùng cái thô để lấy cái tinh thật xuất sắc.
Đọc hai câu thơ này bất chợt trong đầu lại nghĩ đến cái khăn mỏ quạ, cái áo tứ thân trong bài thơ Chân quê của nhà thơ Nguyễn Bính. Tuy nhiên ở đây Văn Thùy chỉ sử dụng ba từ để miêu tả cho chiếc áo “ mỏng mòng mong”.

Mặc khác, cái hay cái đặc sắc của câu thơ lại ẩn chứa bên trong, bởi nó vừa mang nhiệm vụ miêu tả, nhưng lại như một lời “ trách yêu” nhẹ nhàng, duyên dáng, ai bảo em cứ mặc áo “ mỏng mòng mong” như thế, để làm “tôi”- gã “tín đồ thơ” phải lòng em “Kiểu này rồi đến phải lòng mất thôi”. Xin người ta, lại cuối cùng đi trách yêu người ta, người đi xin xem như làm chủ hoàn toàn cục diện thật đặc biệt?

Không chỉ dừng lại ở đó, cái hay của bài thơ còn được nâng lên ở đoạn thơ cuối cùng:

“Rủi mai hóa cát bụi rồi
Hú hồn đốt mã cho tôi áo này
Vía van lang bạt cõi mây
Thương tôi đừng mặc áo dày được không”

Hoàn toàn không phải là cái môtip quen thuộc phải lòng nhau-yêu nhau-cau trầu dạm hỏi, Văn Thùy đã đưa người đọc đến một bất ngờ lớn, tình yêu ấy chỉ dừng lại tại giây phút, tại thời điểm phải lòng nhau để rồi “ dẫu mai hóa cát bụi rồi” thì giây phút ấy vẫn không hề phai nhạt và vân mãi trường tồn.

Đến lúc này đây, cái lúc mà trở về với cát bụi rồi thì nhà thơ mới thật sự “ xin một điều nhỏ nhất”

“Vía van lang bạt cõi mây
Thương tôi đừng mặc áo dày được không”

Đừng mặc áo dày có nghĩa là vẫn mặc chiếc áo “ mỏng mòng mong” ấy hay sao? Để rôi lại phải yêu khan, yêu âm thầm, để rồi lại phải xin và lại phải lòng nhau nữa hay sao?

Câu thơ cuối cùng hết sức đặc sắc, sử dụng từ “không” của phủ định để xây dựng câu khẳng định, dường như là sự chắc chắn người ấy đã “ thương tôi”, tác giả hoàn toàn có thể viết: thương tôi đừng mặc áo dày NGHEN EM/ NHÉ EM…..tuy nhiên thay thế là quá khập khiểng, tất cả đều thể hiện sự nài nỉ, sự bỏ ngõ, còn ở đây lại là sự khẳng định chắc chắn. Vẫn là người đi xin, nhưng vẫn cứ là người làm chủ cục diện.

Một bài thơ ngắn, giai điệu mượt mà, từ ngữ mộc mạc, chân chất ản chứa bên trong là tứ thơ sâu sắc, giàu hình ảnh , cái tôi, nhân vật tôi và em ấy cứ như quyện chặt vào nhau, quyện chặt vào từng đọc giả.

Thơ Lục Bát xuất hiện từ rất lâu và những năm gần đây lại càng nhiều, sự lên ngôi của thơ Lục Bát là sự đáng mừng , tuy nhiên vô vàn trong số ấy đều chưa thể chạm tới cái đích của thơ Lục Bát. 
Nhiều người cứ cố làm mới một cách bất chấp rồi đáng buồn vì họ cứ tưởng đó là thơ, người lại quá dụng công gò , nhào, nặn từng con chữ để thơ trở nên sáo rỗng, người thì lại dễ giải đến vô tư xem thơ như hàng hóa giữa chợ đời….

Thật vui và hạnh phúc vì còn đó một Văn Thùy Dã Thi, người cần mẫn như những chú ong ngày ngày đi tìm hương hoa làm nên mật ngọt, và tô thắm thêm cho vẻ đẹp vốn có của hồn cốt thể thơ dân tộc Việt.

Chưa một lần gặp gỡ, nhưng cho người viết bài này được nói lời cảm ơn sâu sắc nhất đến thi nhân và cả những vần thơ lục bát mộc mạc, giản dị mà đặc sắc của ông.

Tuổi trẻ bồng bột và nông cạn, chưa từng trải nên không làm sao hiểu thấu được cái tình : tình đời ;tình người rộng lớn trong thơ được. chỉ xin tâm lĩnh đôi điều.
Xin mượn hai câu trong truyện kiều của Nguyễn Du để khép lại bài viết:
“ lời quê chắp nhặt dông dài (3253)
Mua vui cũng được một vài trống canh”(3254)

Tuy An  Phú Yên 21/01/2018
Nguyễn văn Thành

ĐƯỜNG THƠ



ĐƯỜNG THƠ

Kệ thơ son phấn thấp cao
Ta hong mấy mẹt Ca Dao ruột vàng
Mặc người chữ nghĩa xênh xang
Ta khênh Lục Bát giữa làng đọc chơi
Thế nhân chán đất thèm giời
Loay hoay ta chọn chỗ người bỏ quên

Tác giả Văn Thùy Dã Thi ( Trích trong Ru Dọc Hai Màu Lá )

Thứ Bảy, 20 tháng 1, 2018

DẠ THƯA



DẠ THƯA

Dám đâu nụ mướp hoa cà
Có thơm cũng chút thật thà hương cau
Đường thơ trăm nẻo rối nhàu
Ta về ngõ lấm tấm màu hoa xoan
Dám đâu mượn giọng vua quan
Dạ thưa em chỉ nói toàn điệu quê

Tác Giả Văn Thùy
( Trích trong Ru Dọc Hai Màu Lá )

MỜI KHÁCH THƠ



MỜI KHÁCH THƠ

Cứ phiên chợ chữ mùa đào
Tôi bày bán mẹt ca dao ruột vàng
Chợ thơ họp vội họp vàng
Kìa ai sao cứ dềnh dàng chưa mua
Mà trời có vẻ sắp mưa
Hay là đứng đợi tôi đưa người về
Hay là em muốn tỉ tê
Tôi già đến nỗi thơ sề vậy sao
Ơ hay mặc cả đi nào
Thiếu tiền cược chút yếm đào cũng xong
Đùa thôi ! Mà khách phật lòng
Lườm tôi như thể thách ông chạm vào
Từ phiên chợ chữ mùa đào
Cái người ngúng nguẩy năm nào cũng mua

Tác giả Văn Thùy 
* ảnh Thủ bút của tác giả

RU NGANG



Ru Ngang

Khôn ngoan ru tỉnh dại khờ
Trăng rằm an ủi nét mờ trăng lu
Mùa ru vàng mắt lá thu
Vai mình mình vỗ,mình ru trắng mình

Cưu mang mãi bóng vô hình
Bạc đầu mà bóng cố tình vẫn đen
Người sang đổ,bóng cũng hèn
Thân vùi dưới cỏ bóng trên miệng đời

Ngày loang khúc xạ khóc cười
Đêm chình chịch bóng đè người chiêm bao
Kẻ lùn đứng cạnh người cao
Tròn trưa ai biết bóng nào dài hơn

Bấm tay nhẩm đếm nguồn cơn
Bán mình làm vốn đi buôn bóng người
Ráng chiều nhập nhoạng chơi vơi
Bóng lờ mờ dáng ma trơi hiện hình .

Tác giả Văn Thùy

RU NGƯỜI HỜ HỮNG



Ru Người Hờ Hững

Lời ru ẩn tiếng chuông chiều
Cho tôi thỉnh một tình yêu cũ càng
Ru cho cạn giếng khơi làng
Em đi gánh nước ướt sang ngõ này
Ru lâu trụi đám cỏ may
Nhẵn đường thì cứ lối này mà qua
Đã ru cong mặt trăng ngà
Chỉ còn em đám mây xa hững hờ

Văn Thùy

( Trích trong Ru Dọc Hai Màu Lá)

NHÀ DỘT



Nhà Dột

       Nửa đêm… gió thét… mưa gào
Đùng đùng sấm quát, rào rào lá rơi
       Sét xanh xé chéo bầu trời
Trong nhà luýnh quýnh một người chạy mưa

       Có bao nhiêu lỗ mái thưa
Bấy nhiêu là chậu xoong thừa bày ra
       Ao nông hiện hữu giữa nhà
Dột từ trên nóc quả là nỗi đau

       Trời khùng chẳng rõ vì sao
Tiếng long bong hát thấp cao giữa nhà
       Mỗi khi nước mắt trời sa
Muôn tâu xoong chậu ra mà tế mưa

       Thiên đình tra tấn nhọc chưa
Để lau chùi vết khổ vừa hứng xong
       Giá như đôi đũa chẳng cong
Thì đâu lẻ bóng long đong chống trời

       Giá như… ừ… giá như thôi
Mình không dại dột chia đôi nếp nhà
Văn Thùy

NGŨ HÀNH LỤC BÁT



NGŨ HÀNH LỤC BÁT
Văn Thùy

Bỏ trời bỏ tiếng sáo diều
Xuống làm lặng lẽ cánh bèo phiêu du

KIM

Khoan khoan đừng vội vỗ tay
Cái này mới chỉ là ngày hôm qua

MỘC

Yêu nhau cởi áo trao nhau
Kìa kìa có gió trên cầu…Hãy khoan


THỦY

Rụt rè ngọng nghịu yêu suông
Hay chưa!
Trăng cứ trần truồng tắm mây


HỎA

Nhanh nhanh chút nữa đi em
Từ từ… Trăng vẫn rình xem người trần

THỔ

Chưa gì đã vội ấy nhau
Từ từ… đợi đến hồi sau sẽ… gì

V.T

_______________

Tác giả Văn Thùy. Ân Thi. Hưng Yên

Điện thoại: 01214197907

Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2018

BÙA MẮT



BÙA MẮT

Tiếng ai ríu rít sân chùa
Mắt ai sao nỡ bỏ bùa mắt tôi
Dọc đường bụng dạ bồi hồi
Về nhà chẳng biết gặp rồi hay chưa
Đêm nằm những tỉnh những mơ
Giật mình quờ thấy mắt bùa trong chăn


Tác giả Văn Thùy.
Tặng người hay bình thơ
* Ảnh thủ bút của Văn Thùy Dã Thi

MÁCH LẺO



Mách Lẻo

Ta về mách với mùa thu
Có người lẩn thẩn đang ru tóc thề
Ta đi mách với nắng hè
Có người tiếc tuổi hát về mùa xuân
Văn Thùy

SAU BƯỚC MÙA XUÂN



Sau Bước Mùa Xuân

Lúa non lí nhí cầu mưa
Cò dang cánh quắp nắng thưa vòng về
Lời ru đậu trĩu ngọn tre
Nỉ non bài cuốc giục hè rảo chân


Áo cây sột soạt xanh dần
Mặt trời lừ mắt nhìn xuân đang lùi
Chuồn chuồn đạp nước rong chơi
Chăn dày ai đã vội phơi hàng rào

Bừa nhe răng chuyện xôn xao
Dỏng tai lá ngóng ồn ào nhạc ve
Đã ngày lốm đốm nắng hè
Đã em chơm chớm tóc thề ướm vai

Đã đêm ngun ngủn giường ai
Đã thườn thượt những dẳng dai nỗi người
Bánh trôi nhấp nhổm đứng ngồi
Lanh chanh mấy đóa bưởi cười nhoẻn hương

Xuân đi mất hút cuối đường
Đôi câu đối vẫn trên tường nghêu ngao
Gió nồm mách lẻo thì thào
Mưa dậy thì sắp nhôn nhao đòi mùa
Ảnh minh họa Nữ sĩ Phan Thị Thanh Minh và Văn Thùy

THƯA EM



THƯA EM

Tại em cố thủ nét xuân
Tôi liều đem tuổi lục tuần cưa đôi
Em còn thắm má hồng môi
Bụi râu để tốt lôi thôi làm gì
Quãng người xuân sắc có thì
Mấy lần tã lót còn gì nữa em
Qua chiều là sập màn đêm
Mùa xuân ngấp nghé bên thềm lá rơi.
 
Tác Giả Văn Thùy

VĂN THÙY THƠ



 VĂN THÙY THƠ
 ( Tựa người đăng đặt)

Tay dắt vợ lưng cõng con
Vướng đôi Lục Bát cuộn tròn khoác vai

Đường xa bước ngắn bước dài

Lầu thơ cứ ngỡ cách vài sải chân
Thùng thình mớ áo Thi Nhân
Ngại ngùng đâu dám đứng gần ướm chơi
Tri Âm còn được bấy người
Thơ như một tiếng vạc rơi đồng chiều

Hợp Tác Xã Hồn Rơm
Ảnh Thủ bút Văn Thùy

BÙA QUÊ



BÙA QUÊ

Cố hương một buổi già chiều
lim dim nắng đổ liêu xiêu bóng người
bầy chim lấm chấm chân trời
mấy cô gánh rạ chất cười lên vai


Đàn trâu đủng đỉnh vẫy tai
đường thôn hèm hẹp vọng dài hồi chuông
gà con nhớn nhác nhầm chuồng
khoai lang nướng phức đoạn đường sống trâu

Vườn xưa bẽn lẽn hương cau
lả lơi khói bếp lượn mầu xanh chiêm
nhịp chày uể oải chậm thêm
lão bà nghì ngoáy ngồi têm cơi trầu

Bếp rơm ôm khói thuốc lào
tép kho niêu quẫy mùi vào bữa quê
người nơi phố thị chợt về
bâng khuâng đọc gói bùa mê quê chiều…

Văn Thùy

Thứ Năm, 18 tháng 1, 2018

Nỗi Niềm Kẻ Nghiện... Thơ: Dị nhân Văn Thùy



Dị nhân thơ Văn Thùy

Một bạn thơ tôi, yêu thơ và nghe danh Văn Thùy đã lâu, mới gõ lên google để tìm cho ra chân dung gương mặt mà cô ngưỡng mộ. Vừa thấy hình ảnh nhà thơ, mặt cô biến sắc. Từ đỏ chuyển sang tím xanh…

Đúng là nhìn bên ngoài, Văn Thùy như một hình nhân ở cánh đồng, gầy guộc, đen trũi, chân tay lòng khòng, quần áo cũng lùng thùng. Có hôm tả tơi như hình nhân trên cánh đồng vào vụ gặt. Tưởng cô bạn hết cảm xúc khi nghênh diện chân dung thi sĩ trên ảnh. Ấy vậy mà một hôm cô bảo tôi, thơ Văn Thùy hay quá… ước sao có một tập thơ để đọc. Trong thâm tâm, cô khao khát một lần được tiếp kiến nhà thơ bằng xương, bằng thịt ngoài đời.

Thì ra diện mạo, dẫu có xấu tệ thế nào đi chăng nữa, thì cái hay của thơ - hay tài năng của nghệ thuật không đủ để con người ta băng giá cảm xúc. Trường hợp cô gái này là một ví dụ.

Cách đây 6 năm, tôi đi dự trại sáng tác Quân đội tổ chức tại Đại Lải. Trưởng phòng Văn nghệ của NXB Quân đội cho biết anh sắp in một tập thơ có tên Điệu ru của mẹ của tác giả mới toanh, có tên là Văn Thùy. “Thơ lão này lạ và hay lắm” - anh nói, đoạn đọc cho tôi nghe mấy câu.

Tôi nghe mấy câu anh đọc, thích thú bởi sự độc đáo của mấy câu thơ tài hoa của tác giả:

Lẻn vào cửa Khổng sân Trình
Véo câu lục bát tụng kinh ghẹo rùa
Xé rào lấm lét góc chùa
Dứ vần lục bát bỏ bùa vú chuông…
Hoặc:
Yêu đương chọn gió trái mùa
Ngày dưng cũng hẹn góc chùa thỉnh môi.
Em ăn mày Phật cửa chùa
Tôi thành hành khất bốn mùa yêu chay.

Thực tế, Văn Thùy chỉ mượn cớ để phóng bút mà thôi. Với lão, mùa yêu không có sự bắt đầu và cũng không có sự kết thúc. Bất kể ở đâu, tình yêu cũng có lý do để nẩy lộc đâm chồi… Sự phá cách về đề tài và phong cách biểu hiện, với cách viết tài hoa độc đáo không ai sánh kịp kia đã khiến thơ lão có một giọng điệu riêng, không thể nhầm lẫn.

Đời thường, nhiều người không ưa lão ở cái sự dở hơi gàn gàn của lão. Mỗi khi lão quắc mắt nhìn ai, cứ như là lão chĩa tia lửa điện về phía người đối diện. Tưởng như rất dữ, nhưng kỳ thực rất hiền lành. Vẻ hiền lành và gàn dở của một thi sĩ ẩn chứa trong lão một cách tự nhiên, không phải lão cố mà được.

Lão đọc thơ ở đâu, thì ngay lập tức ở đó đám đông đan chen vào nghe thơ, gật gù trầm trồ thán phục.

Hàng nước ở phố Ngô Quyền là địa chỉ quen thuộc của lão. Bao giờ cũng vậy, rời Ân Thi, Hưng Yên vào sáng sớm để sang Hà Nội bằng con xe cà tàng, mọi thứ đều long sòng sọc, mọi thứ đều kêu vang (trừ còi), lão tạt vào hàng nước. Vốn là dân nghiền thơ ca, bà H, chủ quán nước đon đả mời lão chén trà. Lão tìm điếu cày, chọn vị trí thích hợp rồi ngửa mặt nhìn trời, rồi châm mồi, rít lên một tràng, sảng khoái. Trong sự khoan khoái bởi thuốc lào, lão bắt đầu hất hàm thân mật hỏi chủ quán, ý chừng muốn nghe thơ chưa để lão bắt đầu khai vị buổi sáng bằng thơ.

Khi lão in xong một tập thơ lục bát, do các Mạnh Thường Quân giúp đỡ tài trợ, việc đầu tiên của lão là mang thơ ra bán ở những nơi có thể. Khác với mọi người, lão nói rằng, lão mang thơ để tặng, có chữ ký tươi hẳn hoi. Nhưng chữ ký phải trả tiền lão. Sau phút ngỡ ngàng, mọi người đều mang tiền ra trả lão, với 100.000 đồng/cuốn. Có nghĩa là số tiền gấp đôi giá bìa… lão hỉ hả cho tiền vào chiếc ví hình tạp dề, rồi đọc khuyến mại thêm mấy bài thơ tình cho các khổ chủ nghe. Xong xuôi, lão mới rời đi, trước khi đi không quên cảm ơn bà chủ quán và những độc giả - nạn nhân yêu thơ của lão.

Tưởng như con người có vẻ bề ngoài chớt chát ấy chỉ ngông nghênh với chuyện thơ ca. Nhưng đọc thơ lão, ta thấy lão cũng có lúc tâm trạng lắm. Chuyện bà vợ không chịu nổi ông chồng thi sĩ hung hăng và gàn dở trong nhà đến nỗi dỗi hờn, bỏ lão đi biệt tăm, mãi đến khi cưới con trai mới chịu ra Hưng Yên; chuyện Hội Văn học Nghệ thuật Hưng Yên kiên quyết không chịu kết nạp cho lão vào Hội; chuyện lão một mình mưu sinh bằng thơ mỗi độ xuân về, Tết đến trên sân thơ Văn Miếu… Đó cũng là những nguyên cớ để ngoài những lúc lão vui vầy tỷ thí cùng bạn bè văn chương, thì còn lại là những phút lặng trong con người vốn đa sầu đa cảm của lão.

Những câu thơ này là tâm trạng thật, đầy chất chứa của lão:

Lời chào nhạt thếch nhớ mong
Bắt tay lạnh ngắt gan lòng bàn chân.
Một mai hóa cát bụi rồi
Biết ai hú vía cho tôi thơ tình…
Mới từ gặp gỡ ngẩng lên
Chia li dằn xuống buồn quên cả cười
Bình minh nhuộm đỏ mặt người
Hoàng hôn chẳng quệt mép cười nhọ nhem.

Không thể không thừa nhận rằng, tài hoa, gàn dở - 2 thứ đó gắn chặt với thi sĩ Văn Thùy như hình với bóng. Thậm chí nó đã tạo thành một thương hiệu đặc biệt của lão. Điều này khiến cho bất kỳ một ai đã từng đọc thơ lão, hay đã gặp lão đều thích thú và không ít phần ngưỡng mộ.

Giờ, thỉnh thoảng lão đến Hà Nội, khề khà thuốc lào và rượu, tặng bạn thơ và kẻ yêu thơ mình những tập thơ nhỉnh hơn lòng bàn tay với chữ thư pháp rất đẹp, với các tiêu đề: Lục bát lên đồng; Chữ mới giọng xưa - HTX thơ Hồn Rơm - Phụ bản chép tay - Véo ra trong điệu ru của mẹ.

Tập thơ được lão viết bởi HTX thơ thủ công Hồn Rơm sau khi giới thiệu trích ngang và ngành nghề của mình: Chuyên chế tạo ca dao/Sản xuất thơ sạch/Nguyên liệu cổ truyền/Ngôn ngữ dân gian/Bền cùng trí nhớ/Kiểu dáng độc nhất/Chữ nghĩa gì nhất/Giọng điệu ấy nhất/Độc giả lạ nhất/Giá bất đồng nhất.

Văn Thùy có điên không?

Có thể. Nếu nhìn vào hành vi và điệu bộ của lão. Nhưng có những vần thơ của lão lại ấn tượng và hay đến độ bất ngờ. Nếu điên mà thơ hay như vậy, thì rất cần điên.

Làm thơ khổ cái thân chưa
Răng thiếu lục bát mồm thừa thất ngôn
Mê thơ là tội giời đày
Càng béo chữ nghĩa càng gầy niêu cơm

Văn Thùy thường tự giễu cợt mình, bằng những câu thơ như thế.
Trời đày lão làm thơ. Và tất nhiên, không chỉ đày riêng lão. Bảo Sinh, Văn Thùy… mỗi người mỗi vẻ, nhưng sự tài hoa đã vượt ra khỏi nơi cư trú, thậm chí sự dị nhân trong đời thường và trong thơ ca của họ đã là sức hút đặc biệt cho những người ngưỡng mộ thơ họ, mà họ không cần phải được vinh danh xướng tên thông lệ ở những lâu đài miếu mạo thơ ca.

(Còn nữa)

Sa Mộc


Nguồn https://baomoi.com/noi-niem-ke-nghien-tho-di-nhan-van-thuy/c/12092908.epi

BÓNG


Bóng ta đổ dưới chân ta
Cả đời không bước nổi qua bóng mình
Cưu mang mãi bóng vô hình
Bạc đầu mà bóng cố tình vẫn đen
Người sang đổ, bóng vẫn hèn
Thân vùi dưới cỏ bóng trên miệng đời
Ngày loang khúc xạ khóc cười
Đêm chình chịch bóng đè người chiêm bao
Kẻ lùn đứng cạnh người cao
Tròn trưa ai biết bóng nào dài hơn
Bấm tay nhẩm đếm nguồn cơn
Bán mình làm vốn đi buôn bóng người
Ráng chiều nhập nhoạng chơi vơi
Bóng lờ mờ dáng ma trơi hiện hình!
Văn Thùy
(Trích trong tập Du Dọc Hai Mầu Lá) 

Chủ Nhật, 14 tháng 1, 2018

XIN MỖI ĐIỀU NHỎ NHẤT



Xin Mỗi Điều Nhỏ Nhất

Cho tôi sờ áo một lần
Đêm nay bất chấp tử thần gọi tên
Một lần thôi chẳng vòi thêm
Chạm tay vạt áo khát thèm đã tan
Đã âm thầm nỗi yêu khan
Một phen mó áo vô vàn ngẩn ngơ
Hãy tin những tín đồ thơ
Yêu chay nên chỉ dám sờ áo thôi
Ngón tay ngọng mấy đốt rồi
Kể là chín ngón hỏng mười cũng xong
Áo gì cứ mỏng mòng mong
Kiểu này rồi đến phải lòng mất thôi
Rủi mai hóa cát bụi rồi
Hú hồn đốt mã cho tôi áo này
Vía van lang bạt cõi mây
Thương tôi đừng mặc áo dày được không
Văn Thùy Dã Thi


Nguồn http://www.daovien.net/t5908-topic

Tiến Sĩ Chu Văn Sơn Viết Về Văn Thùy !



Tiến Sĩ Chu Văn Sơn Viết Về Văn Thùy !

Những Người yêu Thơ Văn Thùy Xin Mượn Bài Viết Này Như Lời Giới Thiệu Về Dị Nhân Văn Thùy!
****************

Người ấy, trong mạng số, dường như, có… căn lục bát.

Sau khi đọc chậm tất tần tật những gì ông gửi cho, có thể gọi những tập ấy là lục bát toàn tính, tôi cứ mải hình dung về chủ nhân của nó. Tôi nghĩ dại hay Văn Thùy đã lỡ ăn phải bùa ngải gì đó của lục bát, vì thế mà đã bị lục bát ám, lục bát làm, cả làm tình lẫn làm tội. Không thế thì sao cứ loay hoay ban ngày lục bát ban đêm lục nồi như vậy suốt cả đời. Nếu Văn Thùy là một tay đan bồ cót rổ giá giần sàng nong nia dưới bong tre làng, thì lục bát là những nan tre nuộc lạt mà ông lẩn mẩn trau chuốt tối ngày. Nếu Văn Thùy là tay kiếm cá đồng quê, thì lục bát là cái đơm cái đó của gã. Nếu Văn Thùy là một thầy lang, thì lục bát là dao cầu thuyền tán. Nếu Văn Thùy là một thầy cúng, thì lục bát là mõ là chuông. Nếu Văn Thùy là một tay bán quà rong, thì lục bát là tò he, là lạc rang kẹo kéo. Nếu Văn Thùy là một tay chơi cảnh, thì lục bát là cây thế, chim lồng. Nếu Văn Thùy là gã đồng nát, thì lục bát là đôi bồ nan đựng trăm thứ bà rằn. Nếu Văn Thùy là tay buôn rươụ quê, thì lục bát là những be sành, bầu nậm nút lá chuối khô… Tôi cứ hình dung, sáng ra ở quê Ân Thi, Hưng Yên, thức dậy, người có tuổi như Văn Thùy phải đun một ấm nước, chiêu một ngụm trà, thì lục bát là chén trà đó; phải bắn một điếu thuốc lào, thì lục bát là thứ thuốc lào đó; rồi phải xơi một chút gì lót dạ đại loại như nắm xôi đồ, bắp ngô luộc, bát cơm rang, quả trứng lộn…thì lục bát là thứ lót dạ đó của Văn Thùy. Một người như Văn Thùy, buổi trưa quê cần ngả lưng, kê đầu lên cái gối mây đan( trơn lì mồ hôi và có cả cáu bám khe nan nữa), phe phẩy chiếc quạt mo (về vệt vết tay cầm), lim dim đánh một giấc giữa nhà ngói gốc mít, thì lục bát là cái gối mây đan, là cái quạt mo đó. Một người như Văn Thùy, để giãn xương cốt, vào đêm quê, phải tợp một chén rượu thuốc (ngâm cả rễ củ lẫn ngũ xà, tam xà), thì lục bát là cái chén rượu nồng nồng, tê tê, ghê ghê đó… Đọc Văn Thùy, đôi khi tôi còn hình dung ông như một con bệnh kinh niên của lục bát, một ca bệnh mãn tính của lục bát nữa. Lục bát đã nhiễm vào hồng cầu bạch cầu của Văn Thùy rồi. Một người cứ dan díu tằng tịu đánh đeo với lục bát hết ngày dài lại đến đêm thâu như vậy, chẳng phải là dị nhân hay sao! Ấy là trời cho mà cũng là trời hành vậy.

Đành rằng Văn Thùy là cây bút nặng nghiệp lục bát, đành rằng lục bát của Văn Thùy nghiêng về phong cách dân gian (điệu nói) chứ không phải cổ điển (điệu ngâm), nhưng những ví von miên man mà tôi cố tìm cho thật hợp với hình dung của mình kia chưa làm tôi thỏa mãn lắm. Văn Thùy vừa là thế, vừa có gì khác thế. Đến khi sực nhớ đến hình ảnh đầy ấn tượng của nghệ nhân Hà Thị Cầu, thì tôi thấy ưng liền. Phải, nếu xem Văn Thùy là một nghệ nhân hát xẩm ở chợ quê, thì lục bát của ông là cây nhị tự biên tự đẽo mà diễn được mọi nông nỗi của lòng thơ đó và khéo chơi vẫn ánh lên những âm giai sáng giữa một nền âm hưởng âm u.

Văn Thùy rất tự biết về sở trường cùng cái thân thế lục bát của riêng mình, khi kiêu bạc tuyên ngôn: Kệ thơ son phấn cấp cao| Ta hong mấy mẹt ca dao ruột vàng/ Mặc người chữ nghĩa xênh xang/ Ta khênh lục bát giữa làng đọc chơi. Hoặc: Dứt phăng sợi chữ tân thời/ Xe thành lục bát nối lời ru xưa. Hoặc: Nhịp hành khúc của người ta/ Mình gam La thứ mình ca giọng mình/ Thơ người bác học cung đình/ Chữ mình tấm cám thì mình ca dao. Lục bát Văn Thùy cũng xoay quanh hai mạch tình: tình đời- mạch thứ và tình tang- mạch chủ. Tình đời là những ấm lạnh, đổi dời, dâu bể trong thế thái nhân tình quê- tỉnh, tỉnh- quê ở cái thời kinh tế thị trường; là tâm niệm kẻ sĩ dân gian đời mới vẫn khăng khăng tin quan nhất thời dân vạn đại, vẫn một mực khinh giàu mà trọc, trọng nghèo mà sang, vẫn ghét cay ghét đắng thói kim tiền; hay những cám cảnh đoái thương cho phận người nhỏ nhoi như những giọt người chìm nghỉm trong bể giời này…Giọng Văn Thùy ở đấy rất lợi thế khi trào phúng, giễu nhại, nhưng cũng không thiếu những lâm li, than thở, ngậm ngùi: Chẳng làm con sáo sang sông/ Chị thành một giọt người trong bể người/ Anh nằm đâu ở góc trời/ Chị tôi đứng vậy suốt đời khói nhang. Đọc mà se xót bởi thấy ở hình ảnh ấy thân phận bao góa phụ trong cõi nhân gian không chỉ riêng thời chiến tranh trận mạc. Còn tình tang là những ỡm ờ bóng gió, những lúng liếng lẳng lơ, những đắm mây dạt đò, những trêu hoa ghẹo nguyệt, những cậy bướm nhờ ong, những lườm cây nguýt lá…cứ liên khúc tình trường mọi cổng ngõ sân vườn của lục bát Văn Thùy. Ở mạch này, Văn Thùy tỏ ra rất dân gian (hay rất gian?) khi chỉ nhất tâm thường trụ trước vẻ đẹp của gái một con: Ra ngõ gặp gái một con/ Xòe tay đậy mắt kẻo mòn con ngươi; Sao đành làm gái một con/ Để cho phỗng đá liếc mòn con ngươi. Không chỉ ve gái một con mà còn “ quấy rối” cả ni sư đã nhập cõi Thiền: Em ăn mày phật cửa Chùa/ Tôi thành hành khất bốn mùa yêu chay… Và luôn tỏ ra là tri kỷ của Thị Màu: Ngai vàng cung điện vùi sâu/ Sân đình vẫn diễn Thị Màu ghẹo sư… Do đây là tiếng lòng sung nhất của gã thi sĩ lục bát dạo, lục bát rong này mà người ta thấy trong tình tang của Văn Thùy có một nét phổ biến: cái bạo sấn sổ trước cái ngã, cái tinh nghiêng ngả trước cái thô, cái thanh chịu trận cùng cái tục… Âu cũng là cái cách ghẹo tình táo tợn mà Văn Thùy đã thừa hưởng từ những chàng nông phu xưa, kiểu như: Gặp đây anh nắm cổ tay/ Anh hỏi câu này có lấy anh không. Thì phát huy một phần thô mộc ấy cũng là một cách …cao dao chứ sao! Nó làm nên sắc thái Văn Thùy. Cho nên, cũng không hiếm khi bạo- nhã, tinh – thô, thanh- tục ở Văn Thùy nuột ra trò: Em còn mặc cả gốc mai/ Quay ra người bán mất hai cành đào/ So đo nụ thấp nụ cao/ Chợ tan còn cặp má đào đợi phai… nhưng xem ra, khi nhuyễn đến nền nã thế, cái văn khí của Văn Thùy lại mờ đi thì phải?


Dấn thân vào cuộc lục bát này, hay theo cách của chính Văn Thùy là Từ ngày đốc chứng làm thơ/ Khôn ngoan vốn mỏng ngẩn ngơ thêm dày, ông đã làm xong cái việc khó này: thác mình vào thơ mình. Người ta thấy trong đó có một chút Nguyễn Bính, một chút Nguyễn Duy, một chút Đồng Đức Bốn, Một chút Phạm Công Trứ, lại một chút Bút Tre… nhưng những xoang điệu hơi hướm người khác vẫn không phủ mờ được hình cốt Văn Thùy. Ấy là một Văn Thùy bám chặt hương hỏa ca dao, ăn đong với đời thường, bán sỉ đời mình cho thơ, bán lẻ đời mình cho từng cặp lục bát. Một Văn Thùy cỏ rả mà ngang ngạo. Mà ngạo nhất là cứ ngang nhiên mang cỏ rả của mình ra mà phơi giữa làng, giữa đình, giữa đời thế. Ngỡ là mặc cảm té ra ngạo ngầm. Cái ngạo của kẻ rành về loại giá trị ưa khuất lấp ngay trong vẻ tầm thường. Cho nên, Văn Thùy có một cái nhìn nhất quán khi vịnh vật là: chọn những vật hèn mọn nhom nhem để ngắm rồi làm óng lên ở đó những nét tinh hoa bằng một khẩu khí kiêu bạc. Viết về rạ rơm, cơm nguội, bèo bọt, khố đùm…là thế. Toàn những thứ đời khinh khi, nhưng lại ẩn chứa những vẻ chớ có xem thường. Có màu vẻ nghe kinh cả người. Bèo thì: Nông sâu trong đục ngược xuôi/ Lục bình vẫn hứng mây trời mênh mang, Nước non dâu bể thường tình/ Xác ta cứ nổi hồn mình cứ trôi. Mẻ thì: Chó chết không thể thiếu ta/ Mẻ đưa đám chó táng qua bụng người. Khố thì: Phô nứt đố, lộ vách nghèo/ Biết đâu váy lĩnh cởi theo khố đùm. Lúc đậm lúc nhạt, khi lộ khi ẩn, nhưng đó âu cũng là cái tinh thần thẩm mỹ kiểu chùa rách phật vàng của dân gian vậy.


Văn Thùy sớm đánh cược với lục bát , nên đã nhập mình rất nhanh vào phong trào phục hưng lục bát gần đây cũng như cặp kè đi lại với chiếu Lucbat.com Có cái không khí lục bát sôi nổi ấy, hẳn ông thấy mình đỡ lẻ loi. Nhưng không có nó, Văn Thùy vẫn cứ là mình, nghĩa là vẫn độc diễn theo cách cũ, vẫn cui cút hành nghề lục bát tự tung tự tác từ A đến Z vậy thôi. Ông thạo các ngón nghề lục bát từ láy âm, phối nhịp, hiệp vần, chơi chữ, tiểu đối, đến dàn lời, giãn ý, dùng tiếng đơn tiếng đôi, chùm ba chùm bốn… rồi những ví von quê kiểng, liên tưởng quê mùa, tu từ quê cách…chiêu nào cũng chơi sạch. Vì thế, Văn Thùy hành nghề như một ông lang vườn, nhưng lại thông thạo y lý, y luật. Dẫu có thực hành thơ như một nghệ nhận lục bát rong, lục bát dạo, thì tay viết vẫn đua phô thi pháp nhà nghề. Tuy nhiên, không thể không thấy trong sáng tác của Văn Thùy, lắm lúc mải tỉa tót chữ nghĩa mà cái khéo của con chữ làm mờ đi cái tình của con tim. Tôi nghĩ Văn Thùy là một ca điển hình của lục bát nghiệp dư vươn lên tầm chuyên nghiệp. Ấy cũng là nét độc đáo Văn Thùy.

Dường như trút tất tật những tài tình có được vào lục bát mà Văn Thùy luôn xem nó là nghĩa lý duy nhất của đời mình. Ông cũng đầy âu lo trăn trở, khi nghĩ đến “hậu sự” chẳng biết rồi ra có được ai người tri nhận cảm thương không: Bây giờ hoặc mốt mai sau | Biết ai vuốt mắt cho câu thơ buồn. Đúng là, một khi đã trót ném mình vào thơ phú, thì dù kẻ hên người xui, kẻ lăn lóc nẻo này, người chìm nổi chốn kia, cũng không thể không xót xa cho thân phận vốn mong manh của cái tài cái tình trong cõi văn chương mờ mịt này.

Bây giờ thì tôi tin lòng thơ của Văn Thùy đã như cái ấm trà của những tay nghiện trà ở chốn quê, cao trà năm này sang năm khác cứ bám dày, két chặt khắp lòng ấm, chỉ cần vài thìa nước thật sôi rót vào là hương lục bát đã nhấp nhứng bay lên rồi. Xem đó là dạng lục bát nằm lòng hay bảo là phải lòng lục bát đây? Thì cũng thế, rành mạch quá mà làm gì, bởi đằng nào thì nó cũng là Văn Thùy cả thôi mà!

Chu Văn Sơn

Nguồn http://www.daovien.net/t5908-topic