Thứ Năm, 18 tháng 1, 2018

Nỗi Niềm Kẻ Nghiện... Thơ: Dị nhân Văn Thùy



Dị nhân thơ Văn Thùy

Một bạn thơ tôi, yêu thơ và nghe danh Văn Thùy đã lâu, mới gõ lên google để tìm cho ra chân dung gương mặt mà cô ngưỡng mộ. Vừa thấy hình ảnh nhà thơ, mặt cô biến sắc. Từ đỏ chuyển sang tím xanh…

Đúng là nhìn bên ngoài, Văn Thùy như một hình nhân ở cánh đồng, gầy guộc, đen trũi, chân tay lòng khòng, quần áo cũng lùng thùng. Có hôm tả tơi như hình nhân trên cánh đồng vào vụ gặt. Tưởng cô bạn hết cảm xúc khi nghênh diện chân dung thi sĩ trên ảnh. Ấy vậy mà một hôm cô bảo tôi, thơ Văn Thùy hay quá… ước sao có một tập thơ để đọc. Trong thâm tâm, cô khao khát một lần được tiếp kiến nhà thơ bằng xương, bằng thịt ngoài đời.

Thì ra diện mạo, dẫu có xấu tệ thế nào đi chăng nữa, thì cái hay của thơ - hay tài năng của nghệ thuật không đủ để con người ta băng giá cảm xúc. Trường hợp cô gái này là một ví dụ.

Cách đây 6 năm, tôi đi dự trại sáng tác Quân đội tổ chức tại Đại Lải. Trưởng phòng Văn nghệ của NXB Quân đội cho biết anh sắp in một tập thơ có tên Điệu ru của mẹ của tác giả mới toanh, có tên là Văn Thùy. “Thơ lão này lạ và hay lắm” - anh nói, đoạn đọc cho tôi nghe mấy câu.

Tôi nghe mấy câu anh đọc, thích thú bởi sự độc đáo của mấy câu thơ tài hoa của tác giả:

Lẻn vào cửa Khổng sân Trình
Véo câu lục bát tụng kinh ghẹo rùa
Xé rào lấm lét góc chùa
Dứ vần lục bát bỏ bùa vú chuông…
Hoặc:
Yêu đương chọn gió trái mùa
Ngày dưng cũng hẹn góc chùa thỉnh môi.
Em ăn mày Phật cửa chùa
Tôi thành hành khất bốn mùa yêu chay.

Thực tế, Văn Thùy chỉ mượn cớ để phóng bút mà thôi. Với lão, mùa yêu không có sự bắt đầu và cũng không có sự kết thúc. Bất kể ở đâu, tình yêu cũng có lý do để nẩy lộc đâm chồi… Sự phá cách về đề tài và phong cách biểu hiện, với cách viết tài hoa độc đáo không ai sánh kịp kia đã khiến thơ lão có một giọng điệu riêng, không thể nhầm lẫn.

Đời thường, nhiều người không ưa lão ở cái sự dở hơi gàn gàn của lão. Mỗi khi lão quắc mắt nhìn ai, cứ như là lão chĩa tia lửa điện về phía người đối diện. Tưởng như rất dữ, nhưng kỳ thực rất hiền lành. Vẻ hiền lành và gàn dở của một thi sĩ ẩn chứa trong lão một cách tự nhiên, không phải lão cố mà được.

Lão đọc thơ ở đâu, thì ngay lập tức ở đó đám đông đan chen vào nghe thơ, gật gù trầm trồ thán phục.

Hàng nước ở phố Ngô Quyền là địa chỉ quen thuộc của lão. Bao giờ cũng vậy, rời Ân Thi, Hưng Yên vào sáng sớm để sang Hà Nội bằng con xe cà tàng, mọi thứ đều long sòng sọc, mọi thứ đều kêu vang (trừ còi), lão tạt vào hàng nước. Vốn là dân nghiền thơ ca, bà H, chủ quán nước đon đả mời lão chén trà. Lão tìm điếu cày, chọn vị trí thích hợp rồi ngửa mặt nhìn trời, rồi châm mồi, rít lên một tràng, sảng khoái. Trong sự khoan khoái bởi thuốc lào, lão bắt đầu hất hàm thân mật hỏi chủ quán, ý chừng muốn nghe thơ chưa để lão bắt đầu khai vị buổi sáng bằng thơ.

Khi lão in xong một tập thơ lục bát, do các Mạnh Thường Quân giúp đỡ tài trợ, việc đầu tiên của lão là mang thơ ra bán ở những nơi có thể. Khác với mọi người, lão nói rằng, lão mang thơ để tặng, có chữ ký tươi hẳn hoi. Nhưng chữ ký phải trả tiền lão. Sau phút ngỡ ngàng, mọi người đều mang tiền ra trả lão, với 100.000 đồng/cuốn. Có nghĩa là số tiền gấp đôi giá bìa… lão hỉ hả cho tiền vào chiếc ví hình tạp dề, rồi đọc khuyến mại thêm mấy bài thơ tình cho các khổ chủ nghe. Xong xuôi, lão mới rời đi, trước khi đi không quên cảm ơn bà chủ quán và những độc giả - nạn nhân yêu thơ của lão.

Tưởng như con người có vẻ bề ngoài chớt chát ấy chỉ ngông nghênh với chuyện thơ ca. Nhưng đọc thơ lão, ta thấy lão cũng có lúc tâm trạng lắm. Chuyện bà vợ không chịu nổi ông chồng thi sĩ hung hăng và gàn dở trong nhà đến nỗi dỗi hờn, bỏ lão đi biệt tăm, mãi đến khi cưới con trai mới chịu ra Hưng Yên; chuyện Hội Văn học Nghệ thuật Hưng Yên kiên quyết không chịu kết nạp cho lão vào Hội; chuyện lão một mình mưu sinh bằng thơ mỗi độ xuân về, Tết đến trên sân thơ Văn Miếu… Đó cũng là những nguyên cớ để ngoài những lúc lão vui vầy tỷ thí cùng bạn bè văn chương, thì còn lại là những phút lặng trong con người vốn đa sầu đa cảm của lão.

Những câu thơ này là tâm trạng thật, đầy chất chứa của lão:

Lời chào nhạt thếch nhớ mong
Bắt tay lạnh ngắt gan lòng bàn chân.
Một mai hóa cát bụi rồi
Biết ai hú vía cho tôi thơ tình…
Mới từ gặp gỡ ngẩng lên
Chia li dằn xuống buồn quên cả cười
Bình minh nhuộm đỏ mặt người
Hoàng hôn chẳng quệt mép cười nhọ nhem.

Không thể không thừa nhận rằng, tài hoa, gàn dở - 2 thứ đó gắn chặt với thi sĩ Văn Thùy như hình với bóng. Thậm chí nó đã tạo thành một thương hiệu đặc biệt của lão. Điều này khiến cho bất kỳ một ai đã từng đọc thơ lão, hay đã gặp lão đều thích thú và không ít phần ngưỡng mộ.

Giờ, thỉnh thoảng lão đến Hà Nội, khề khà thuốc lào và rượu, tặng bạn thơ và kẻ yêu thơ mình những tập thơ nhỉnh hơn lòng bàn tay với chữ thư pháp rất đẹp, với các tiêu đề: Lục bát lên đồng; Chữ mới giọng xưa - HTX thơ Hồn Rơm - Phụ bản chép tay - Véo ra trong điệu ru của mẹ.

Tập thơ được lão viết bởi HTX thơ thủ công Hồn Rơm sau khi giới thiệu trích ngang và ngành nghề của mình: Chuyên chế tạo ca dao/Sản xuất thơ sạch/Nguyên liệu cổ truyền/Ngôn ngữ dân gian/Bền cùng trí nhớ/Kiểu dáng độc nhất/Chữ nghĩa gì nhất/Giọng điệu ấy nhất/Độc giả lạ nhất/Giá bất đồng nhất.

Văn Thùy có điên không?

Có thể. Nếu nhìn vào hành vi và điệu bộ của lão. Nhưng có những vần thơ của lão lại ấn tượng và hay đến độ bất ngờ. Nếu điên mà thơ hay như vậy, thì rất cần điên.

Làm thơ khổ cái thân chưa
Răng thiếu lục bát mồm thừa thất ngôn
Mê thơ là tội giời đày
Càng béo chữ nghĩa càng gầy niêu cơm

Văn Thùy thường tự giễu cợt mình, bằng những câu thơ như thế.
Trời đày lão làm thơ. Và tất nhiên, không chỉ đày riêng lão. Bảo Sinh, Văn Thùy… mỗi người mỗi vẻ, nhưng sự tài hoa đã vượt ra khỏi nơi cư trú, thậm chí sự dị nhân trong đời thường và trong thơ ca của họ đã là sức hút đặc biệt cho những người ngưỡng mộ thơ họ, mà họ không cần phải được vinh danh xướng tên thông lệ ở những lâu đài miếu mạo thơ ca.

(Còn nữa)

Sa Mộc


Nguồn https://baomoi.com/noi-niem-ke-nghien-tho-di-nhan-van-thuy/c/12092908.epi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét