ĐỌC “ XIN MỘT ĐIỀU NHỎ NHẤT” CỦA NHÀ THƠ VĂN THÙY
“Niềm vui của nhà thơ chân chính là niềm vui của người mở đường đến với cái đẹp” ( Pautopxki)
“Thơ là sự thẻ hiện con người và thời đại một cách cao đẹp” (Sóng Hồng)
Vâng với vai trò và sứ mệnh to lớn ấy, người nghệ sỹ nói chung và thi sỹ nói riêng đã không ngừng cố gắng để mỗi ngày mang đến cho đời, mang đến cho đọc giả những bài thơ hay, sâu sắc hoặc giả là những tác phẩm bất hủ.
Chẳng ai biết được rằng thơ Lục Bát ra đời từ khi nào và do ai sáng tạo, nhưng điều đó không quan trọng, thơ Lục Bát vẫn cứ mãi mãi là hồn cốt của dân tộc, là tinh hoa trong ngôn ngữ, luôn là đứa con tinh thần và là đứa con cưng của triệu triệu người dân Việt.
Thơ Lục Bát mộc mạc, giản dị, gần gủi, ngỡ như dễ làm và ai cũng có thể làm được, thế nhưng từ xưa đến nay không có nhiều nhà thơ thành danh với thể loại thơ này.
Đã từ lâu rồi, hình như từ ngày biết yêu thơ đến nay cứ luôn mãi loay hoay với Lục Bát của Đại Thi Hào Nguyễn Du, của Tản Đà. Rồi sau này là lục bát của Nguyễn Bính, Bùi Giáng của Đồng Đức Bốn…. chỉ có vài tác giả tiêu biểu ấy thành danh cùng lục bát, có những tác phẩm Lục Bát để đời.
Để rồi chiều nay, thật tình cờ, thật may mắn và thật hạnh phúc khi đọc được một bài Lục Bát hay trên facebook của Dị Nhân Văn Thùy
Xin một điều nhỏ nhất
“Cho tôi sờ áo một lần
Đêm nay bất chấp tử thần gọi tên
Một lần thôi chẳng vòi thêm
Chạm tay vạt áo khát thèm đã tan
Đã âm thầm nỗi yêu khan
Một phen mó áo vô vàn ngẩn ngơ
Hãy tin những tín đồ thơ
Yêu chay nên chỉ dám sờ áo thôi
Ngón tay ngộng mấy đốt rồi
Kể là chín ngón hỏng mười cũng xong
Áo gì cứ mỏng mòng mong
Kiểu này rồi đến phải lòng mất thôi
Rủi mai hóa cát bụi rồi
Hú hồn đốt mã cho tôi áo này
Vía van lang bạt cõi mây
Thương tôi đừng mặc áo dày được không”
Chỉ 16 dòng thơ cùng với chủ đề muôn thuở là khát khao cháy bỏng trong tinh yêu thế nhưng dưới ngòi bút tài hoa của Văn Thùy người đọc không còn bắt gặp cái thờ ơ nhàm chán, cái vòng vo ướt át, cái đánh đố vu vơ như nhiều, rất nhiều trong những bài lục bát đã và đang tràn lan trên sách báo hay các trang mạng hiện nay.
“Cho tôi sờ áo một lần
Đêm nay bất chấp tử thần gọi tên”
Văn Thùy không hoa mỹ, không vòng vo kiểu như “ Gặp đây mận mới hỏi đào/ vườn hồng đã có ai vào hay chưa” ( ca dao) mà đi thẳng vào vấn đề; ‘ cho tôi”, và là cho được : “ sờ áo một lần”. Cái điều mà tưởng chừng như quá nhỏ ấy lại được tác giả nâng lên một cách vô cùng quan trọng, bởi nếu xem nó là nhỏ bé thì đâu cứ phải xin, mà đâu phải là xin đơn giản, xin suông mà ở đây xin với một thái độ chân thật, thành khẩn, tưởng chừng như dẫu có chết đi thì vẫn cứ phải xin “ Đêm nay bất chấp tử thần gọi tên”.
Nhà thơ không sử dụng cho anh, mà dùng “ tôi” tạo hiệu ứng cho câu thơ thêm phần gần gủi, chất phát. Mộ thủ pháp nhỏ, đơn giản nhưng đặt đúng vị trí đã tạo nên tác dụng rỏ rệt.
Xin “sờ áo”, chưa biết người ta có đồng ý hay không, đọc giả cũng không hề nhìn thấy, nghe thấy câu nói nào tỏ rỏ là người xin đã xin được, thế nhưng Văn Thùy thật cao tay khi lại tiếp tục:
“Một lần thôi chẳng vòi thêm
Chạm tay vạt áo khát thèm đã tan”
Đây vẫn tiếp tục là sự xin xỏ, thế nhưng nếu đọc thật chậm, ta lại thấy đó giống như câu trả lời bởi cái “ một lần”, cái “ chạm tay”, và đặc biệt cái động từ “ đã tan” ấy đã nói lên tất cả. Gỉa sử người ấy không cho, mà đã không cho thì làm gì có được một lần, đã không cho thì làm gì được chạm tay, và nếu không cho thì cái gã quyết sống chết để xin ấy sao có thể “ đã tan” kia chứ??
Khó khăn lắm mới xin được, vậy mà mới chạm vào thì “ đã tan”? tại sao lại có điều đó?, tác giả là gã cả thèm chóng chán ư?, hoàn toàn không phải. Đến đây nhà thơ mới bắt đầu giải thích cho điều đó:
“Đã âm thầm nỗi yêu khan
Một phen mó áo vô vàn ngẩn ngơ
Hãy tin những tín đồ thơ
Yêu chay nên chỉ dám sờ áo thôi
Ngón tay ngọng mấy đốt rồi
Kể là chín ngón hỏng mười cũng xong
Áo gì cứ mỏng mòng mong
Kiểu này rồi đến phải lòng mất thôi”
Thi sỹ đã trần tình, đã phơi bày trái tim, tình cảm của mình lên từng con chữ. Một tình yêu âm thầm nhưng không kém phần mãnh liệt, bỏng cháy, một tình yêu của một “ tín đồ thơ” cũng dung tục nhưng lại trong sáng, thuần túy , mộc mạc, chất phát và hết sức đời thường: “Hãy tin những tín đồ thơ /Yêu chay nên chỉ dám sờ áo thôi”
Chưa có thì sống chết để xin, xin được rồi thì lại “ vô vàn ngẩn ngơ”, rồi thì lại “Ngón tay ngọng mấy đốt rồi /Kể là chín ngón hỏng mười cũng xong”_ cái khờ khạo trong tình yêu đẹp quá, thánh thiện quá!.
Từ đầu tới giờ thi nhân chưa từng miêu tả đến người ấy, cũng chưa từng miêu tả đến cái áo ấy, để rồi đến lúc này mới nhắc đến:
“Áo gì cứ mỏng mòng mong
Kiểu này rồi đến phải lòng mất thôi”
Sử dụng lối không miêu tả để miêu tả, dùng cái thô để lấy cái tinh thật xuất sắc.
Đọc hai câu thơ này bất chợt trong đầu lại nghĩ đến cái khăn mỏ quạ, cái áo tứ thân trong bài thơ Chân quê của nhà thơ Nguyễn Bính. Tuy nhiên ở đây Văn Thùy chỉ sử dụng ba từ để miêu tả cho chiếc áo “ mỏng mòng mong”.
Mặc khác, cái hay cái đặc sắc của câu thơ lại ẩn chứa bên trong, bởi nó vừa mang nhiệm vụ miêu tả, nhưng lại như một lời “ trách yêu” nhẹ nhàng, duyên dáng, ai bảo em cứ mặc áo “ mỏng mòng mong” như thế, để làm “tôi”- gã “tín đồ thơ” phải lòng em “Kiểu này rồi đến phải lòng mất thôi”. Xin người ta, lại cuối cùng đi trách yêu người ta, người đi xin xem như làm chủ hoàn toàn cục diện thật đặc biệt?
Không chỉ dừng lại ở đó, cái hay của bài thơ còn được nâng lên ở đoạn thơ cuối cùng:
“Rủi mai hóa cát bụi rồi
Hú hồn đốt mã cho tôi áo này
Vía van lang bạt cõi mây
Thương tôi đừng mặc áo dày được không”
Hoàn toàn không phải là cái môtip quen thuộc phải lòng nhau-yêu nhau-cau trầu dạm hỏi, Văn Thùy đã đưa người đọc đến một bất ngờ lớn, tình yêu ấy chỉ dừng lại tại giây phút, tại thời điểm phải lòng nhau để rồi “ dẫu mai hóa cát bụi rồi” thì giây phút ấy vẫn không hề phai nhạt và vân mãi trường tồn.
Đến lúc này đây, cái lúc mà trở về với cát bụi rồi thì nhà thơ mới thật sự “ xin một điều nhỏ nhất”
“Vía van lang bạt cõi mây
Thương tôi đừng mặc áo dày được không”
Đừng mặc áo dày có nghĩa là vẫn mặc chiếc áo “ mỏng mòng mong” ấy hay sao? Để rôi lại phải yêu khan, yêu âm thầm, để rồi lại phải xin và lại phải lòng nhau nữa hay sao?
Câu thơ cuối cùng hết sức đặc sắc, sử dụng từ “không” của phủ định để xây dựng câu khẳng định, dường như là sự chắc chắn người ấy đã “ thương tôi”, tác giả hoàn toàn có thể viết: thương tôi đừng mặc áo dày NGHEN EM/ NHÉ EM…..tuy nhiên thay thế là quá khập khiểng, tất cả đều thể hiện sự nài nỉ, sự bỏ ngõ, còn ở đây lại là sự khẳng định chắc chắn. Vẫn là người đi xin, nhưng vẫn cứ là người làm chủ cục diện.
Một bài thơ ngắn, giai điệu mượt mà, từ ngữ mộc mạc, chân chất ản chứa bên trong là tứ thơ sâu sắc, giàu hình ảnh , cái tôi, nhân vật tôi và em ấy cứ như quyện chặt vào nhau, quyện chặt vào từng đọc giả.
Thơ Lục Bát xuất hiện từ rất lâu và những năm gần đây lại càng nhiều, sự lên ngôi của thơ Lục Bát là sự đáng mừng , tuy nhiên vô vàn trong số ấy đều chưa thể chạm tới cái đích của thơ Lục Bát.
Nhiều người cứ cố làm mới một cách bất chấp rồi đáng buồn vì họ cứ tưởng đó là thơ, người lại quá dụng công gò , nhào, nặn từng con chữ để thơ trở nên sáo rỗng, người thì lại dễ giải đến vô tư xem thơ như hàng hóa giữa chợ đời….
Thật vui và hạnh phúc vì còn đó một Văn Thùy Dã Thi, người cần mẫn như những chú ong ngày ngày đi tìm hương hoa làm nên mật ngọt, và tô thắm thêm cho vẻ đẹp vốn có của hồn cốt thể thơ dân tộc Việt.
Chưa một lần gặp gỡ, nhưng cho người viết bài này được nói lời cảm ơn sâu sắc nhất đến thi nhân và cả những vần thơ lục bát mộc mạc, giản dị mà đặc sắc của ông.
Tuổi trẻ bồng bột và nông cạn, chưa từng trải nên không làm sao hiểu thấu được cái tình : tình đời ;tình người rộng lớn trong thơ được. chỉ xin tâm lĩnh đôi điều.
Xin mượn hai câu trong truyện kiều của Nguyễn Du để khép lại bài viết:
“ lời quê chắp nhặt dông dài (3253)
Mua vui cũng được một vài trống canh”(3254)
Tuy An Phú Yên 21/01/2018
Nguyễn văn Thành